Trong quá trình nuôi con, không ít bà mẹ đã từng “rối não” và mệt mỏi vì trẻ biếng ăn. Biếng ăn là từ chung để chỉ những khó khăn khi cho trẻ ăn. Biếng ăn có thể là không chịu ăn, ăn quá ít, thói quen ăn không bình thường như chỉ là ăn một loại thức ăn, ăn lâu, ói khi ăn… BS CKI Đỗ Kiều Nhi cho rằng: “Muốn giúp trẻ hết biếng ăn, có thể ăn ngon miệng trở lại, các bậc cha mẹ cần tìm rõ nguyên nhân ban đầu khiến trẻ biếng ăn. Khi biết được nguyên nhân thì sẽ có những cách khắc phục phù hợp mang lại hiệu quả cao hơn”.
* Nguyên nhân biếng ăn:
- Do bệnh: Trẻ bị bệnh nhiễm trùng, bệnh răng miệng, bệnh mạn tính.
- Do dinh dưỡng: thức ăn không cân đối thành phần dinh dưỡng và không phù hợp lứa tuổi.
- Do tâm lý: liên quan đến hành vi trẻ là người cho ăn. Đây là nguyên nhân thường gặp và khá phổ biến vì do cha mẹ không hiểu tâm lý trẻ. Biếng ăn tâm lý thường xảy ra khi trẻ có cảm giác bị ép buộc vào một khuôn khổ nào đó như: phải ngồi một chỗ từ đầu đến cuối bữa ăn, phải ăn hết phần ăn của mình trong một thời gian cố định, không khí bữa ăn căng thẳng, kể tội hoặc nói xấu trẻ trong bữa ăn, cho thuốc vào thức ăn, vào sữa….
- Bệnh biếng ăn: trẻ không chịu ăn do quan niệm sai lầm về cơ thể hoặc do tổn thương tâm lý, thường chỉ gặp ở trẻ lớn.
- Do nhận thức sai lệch về tình trạng biếng ăn của trẻ: trẻ phát triển bình thường, ngon miệng khi ăn, trẻ ăn đủ theo nhu cầu nhưng không theo ý muốn của cha mẹ.
* Cách khắc phục biếng ăn cho trẻ:
- Cho trẻ ăn bổ sung đúng thời điểm, tròn 6 tháng tuổi. Không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn.
- Cho trẻ ăn vừa đủ số lượng và số bữa phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Khẩu phần của trẻ cần phù hợp với độ tuổi. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều làm trẻ quá no khiến trẻ khó chịu dẫn đến sợ ăn.
- Cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn để phòng tránh thừa hoặc thiếu vitamin, khoáng chất.
- Hạn chế tối đa sự mất tập trung khi cho trẻ ăn, không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, chơi game…
- Thường xuyên thay đổi cách chế biến để giúp trẻ ngon miệng.
- Trang trí, chuẩn bị món ăn thật đẹp đẽ, hấp dẫn.
- Nếu trẻ từ chối ăn một loại thức ăn mới, cha mẹ đừng cố ép mà hãy thử vào khi khác.
- Không nên cho trẻ ăn quà vặt như bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.
- Bữa ăn của trẻ không kéo dài quá 30 phút.
- Cho trẻ ăn khi thấy trẻ đói, khi trẻ từ chối ăn không nên ép
- Nên cho trẻ tự xúc ăn, tự cầm thức ăn để ăn.
- Hãy khen ngợi khi trẻ chịu ăn dù chỉ là một lượng thức ăn nhỏ.
Theo BS Đỗ Kiều Nhi: Các mẹ nên chú ý, dinh dưỡng từ nguồn thức ăn hàng ngày rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
BS CKI Đỗ Kiều Nhi
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY